Home Thông tin các tỉnh miền tây

Thông tin các tỉnh miền tây

by admin

Các tỉnh miền tây hay còn được gọi là đồng bằng sông Cửu Long/sông Mê Kông hay miền tây Nam Bộ nhưng người dân miền Nam vẫn gọi thân thương ngắn gọn là miền tây, với 12 tỉnh thành và 1 thành phố trực thuộc trung ương.

ban-do-mien-tay

Lịch sử

Vùng đất này đã được người dân khẩn hoang lập ấp từ lâu, nhưng đến năm 1757, tức là cách đây gần 300 năm, nơi này mới hoàn toàn thuộc về chính quyền và lãnh thổ Việt Nam.

Tuy thời gian chỉ tính bằng trăm năm, nhưng nơi đây đã diễn ra rất nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau, với những thay đổi lớn nhỏ. Thông tin các tỉnh miền tây được đề cập tại cactinhmientay.com sẽ không đi quá sâu vào chi tiết, nhưng vừa đủ để bạn hiểu thêm về lịch sử văn hoá của vùng đất này.

Có rất nhiều tên tuổi đã gắn bó một phần cuộc đời mình với vùng đất này. Trong đó:

  • Thoại Ngọc Hầu: ông là người có công khai phá vùng ĐBSCL. Khi đi qua vùng đất An Giang, bạn có thể dễ dàng đến thăm những công trình, nơi chốn mà xưa kia ông đã có công chỉ huy, xây dựng, nhằm giúp việc giao thông thương mại được thông suốt
    • Kênh Thoại Hà (kênh đông xuyên). Trong đền thờ Thoại Ngọc Hầu trên núi Sập có bia khắc đánh dấu công trình này.
    • Kênh Vĩnh Tế: ông đã tham gia chỉ huy xây dựng con kênh nối giữa An Giang và Hà Tiên, được mệnh danh là con kênh đào lớn nhất lịch sử phong kiến Việt Nam.
    • Ngoài ra ông còn cho xây dựng nhiều con đường bộ giúp thông tin được thông suốt từ Gia Định đến gần Campuchia.
    • Lăng của Thoại Ngọc Hầu nằm trên núi Sam
  • Trương Định: cuộc đời ông lại gắn bó với Gò Công, Tiền Giang. Ông cùng nhân dân và các võ quan kháng chiến đánh Pháp.
  • Nguyễn Trung Trực: là nhà kháng chiến chống Pháp trong những giai đoạn đầu. Ông có lập chiến khu ở đảo Phú Quốc. Ông nổi tiếng với câu nói: “Bao giờ Tây nhổ hết cỏ nước Nam mới hết người Nam đánh Tây”. Mộ của ông nằm ở Rạch Giá, nơi ông bị xử tử.
  • Bên cạnh đó còn có Phan Thanh Giản, tứ kiệt ở Tiền Giang, Nguyễn Văn Tuyên (có công xây dựng kênh Vĩnh Tế), Nguyễn Đình Chiểu…
kenh-vinh-te

Thật đáng khâm phục, khi đi ngang qua con kênh Vĩnh Tế, và biết rằng cách đây khoảng 200 năm, phải cần 90.000 người và 5 năm mới đào xong con kênh này.

Dân số

Theo kết quả điều tra dân số ngày 01/04/2009, dân số vùng Đồng bằng sông Cửu Long là 17.178.871 người.

Địa lý tự nhiên

Các tỉnh miền tây là một bộ phận của châu thổ sông Mê Kông có diện tích 39734km². Có vị trí nằm liền kề với vùng Đông Nam Bộ, phía Bắc giáp Campuchia, phía Tây Nam là vịnh Thái Lan, phía Đông Nam là Biển Đông. Vùng đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam được hình thành từ những trầm tích phù sa và bồi dần qua những kỷ nguyên thay đổi mực nước biển; qua từng giai đoạn kéo theo sự hình thành những giồng cát dọc theo bờ biển. Những hoạt động hỗn hợp của sông và biển đã hình thành những vạt đất phù sa phì nhiêu dọc theo đê ven sông lẫn dọc theo một số giồng cát ven biển và đất phèn trên trầm tích đầm mặn trũng thấp như vùng Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên – Hà Tiên, tây nam sông Hậu và bán đảo Cà Mau.

dan-co

Đàn cò – hình ảnh thân quen của miền tây nam bộ

Dưới những ảnh hưởng của môi trường biển và nước lợ, thực vật rừng ngập mặn dày đặc đã bao phủ toàn vùng này. Những thực vật chịu mặn này đã tạo thuận lợi cho việc giữ lại các vật liệu lắng tụ, làm giảm sự xói mòn do nước hoặc gió, và cung cấp sinh khối cho trầm tích châu thổ (Morisawa M., 1985), và rồi những đầm lầy biển được hình thành. Tại vùng này, cách đây 5.500 năm trước công nguyên, trầm tích lắng tụ theo chiều dọc dưới điều kiện mực nước biển dâng cao đã hình thành những cánh đồng rộng lớn mang vật liệu sét. Sự lắng tụ kéo dài của các vật liệu trầm tích bên dưới những cánh rừng Đước dày đặc đã tích lũy dần để hình thành một địa tầng chứa nhiều vật liệu sinh phèn (pyrit).

Có thể nói miền tây nam Bộ là nơi hội tụ của những kênh rạch sông ngòi, gắn bó với những điểm đó là những chiếc ghe, chiếc xuồng, đó là những ảnh gắn liền với đời sống hằng ngày của người dân vùng này. Trải qua hàng thế kỷ, hình ảnh đó ngày càng được tôn vinh và gìn giữ. Bởi đây là nét đẹp văn hóa mà nơi đây có được

dam-sen

Đầm sen

Ghe xuồng cũng là phương tiện để truyền tải văn hóa dân gian đi khắp nơi. Chính hình ảnh những chiếc ghe, chiếc xuồng trên sông rạch gắn bó suốt đời với cư dân miền Tây Nam bộ, cho nên đã xuất hiện những điệu hò, câu hát như hò chèo ghe, hò mái dài, mái cụt, hò sông Hậu, hò Đồng Tháp… và đã tạo nên sắc thái văn hóa riêng của văn minh miệt vườn.

Nông nghiệp và công nghiệp

Mặc dù diện tích canh tác nông nghiệp và thủy sản chưa tới 30% của cả nước nhưng miền Tây đóng góp hơn 50% diện tích lúa, 71% diện tích nuôi trồng thủy sản, 30% giá trị sản xuất nông nghiệp và 54% sản lượng thủy sản của cả nước.

Lúa trồng nhiều nhất ở các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Long An, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Tiền Giang. Diện tích và sản lượng thu hoạch chiếm hơn 50% so với cả nước. Bình quân lương thực đầu người gấp 2.3 lần so với lương thực trung bình cả nước. Nhờ vậy nên Đồng bằng sông Cửu Long là nơi xuất khẩu gạo chủ lực của cả đất nước. Ngoài ra vùng này còn trồng mía, rau đậu, xoài, dừa, sầu riêng, cam, bưởi… Nghề nuôi vịt đàn phát triển mạnh. Nuôi nhiều ở Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng, vĩnh Long. Trà Vinh Sản lượng thủy sản chiếm 50 % nhiều nhất ở các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, An Giang. Đặc biệt là Kiên Giang là tỉnh có sản lượng thủy sản săn bắt nhiều nhất, An Giang là tỉnh nuôi trồng thủy sản lớn nhất vùng. Nghề nuôi trồng tôm cá xuất khẩu đang phát triển mạnh. Tôm cá tập trung rất gần bờ và dễ nuôi nên đánh bắt rất thuận tiện

Các tỉnh miền tây - cánh đồng lúa miền tây

Cánh đồng ở miền tây

Nghề rừng cũng giữ vai trò quan trọng, đặc biệt trồng rừng ngập mặn ven biển Cà Mau, đảo Phú Quốc, quần đảo Thổ Chu, hòn Khoai. Vì đây là nghề giữ vai trò trong việc bảo vệ môi trường, sinh học, các loài sinh vật và môi trường sinh thái đa dạng.

Công nghiệp phát triển rất thấp. Chế biến lượng thực chiếm nhiều nhất của cả vùng. Cần Thơ là trung tâm của cà vùng bao gồm các ngành : nhiệt điện, chế biến lương thực , luyện kim đen, cơ khí, hóa chất, dệt may và vật liệu xây dựng. Thành phố Cần Thơ còn có sân bay góp phần giao lưu hàng hóa, khách du lịch trong và ngoài nước

Du Lịch

Du lịch ở các tỉnh miền Tây chủ yếu là du lịch miệt vườn, sông nước, tham quan các di tích lịch sử, văn hóa, các lễ hội. Nhưng đến với vùng này, du khách sẽ khó cưỡng lại những vẻ đẹp hoang sơ hùng vĩ, những không gian yên tĩnh vắng lặng, những trái cây tươi ngon vẫn còn trên cây chưa hái,…

Đến với miền Tây, các bạn có thể ngắm các vẻ hẹp của thắng cảnh Hà Tiên, chèo xuồng đi dọc các con kênh, đi trên các con đường làng ngắm các cảnh đồng để tận hưởng cảm giác yên bình, tĩnh lặng của cuộc sống.

Du lịch miền tây - rừng tràm trà sư

Rừng tràm trà sư nổi tiếng ở An Giang

Hãy tìm hiểu các địa điểm du lịch nổi tiếng ở miền tây, để tìm được 1 tour du lịch miền tây và thưởng thức các cảnh đẹp, cây trái sum sê, đơn ca tài tử, đi thuyền trên sông nước,….

Các địa điểm du lịch rất nổi tiếng của miền Tây như là chợ nổi Cần Thơ, thắng cảnh Hà Tiên, đảo Phú Quốc, du lịch bảy núi, vườn quốc gia U minh,….

Miền tây có 12 tỉnh thành, và 1 thành phố trung ương, dưới đây là liệt kê diện tích, dân số, cho từng tỉnh và thành phố,với mỗi tỉnh thành có các vị trí địa lý, thông tin văn hóa, đặc sản từng tỉnh.

Dưới đây là chi tiết thông tin các tỉnh miền tây, nhấp vào từng tỉnh để xem chi tiết nhé!