Núi Sam

Núi Sam nằm ở đâu?

Nằm trong vùng Bảy núi, phường Núi Sam, thị xã Châu Đốc
Từ thị xã Châu Đốc, có thể đi theo quốc lộ 91 cũ lên núi Sam

Hình ảnh vị tríXem bản đồ

Nên đi Núi Sam vào lúc nào?

Có thể đi núi Sam quanh năm, ngoài ra có thể đi vào:

– Cuối xuân khi các mùa lễ hội bắt đầu, đặc biệt từ ngày 23/04 đến 27/04 âm lịch lúc Lễ miếu bà Chúa Xứ diễn ra. Lúc này có đến 2 triệu du khách hành hương tới đây. Nếu bạn thích sự yên tĩnh, có thể tránh thời gian này ra.

– Tháng 9 – tháng 11: lúc này là mùa nước nổi, có thể đi kết hợp tour Núi Sam – rừng Trà Sư – núi Cấm.

Xem thêm bản đồ du lịch An Giang.

Bản đồ địa danh An Giang - mới

Núi Sam cao 284 m có chu vi 5.200m, là một địa điểm du lịch nổi tiếng ở Các tỉnh miền tây. Theo truyền thuyết, núi có nhiều linh hiển, nên có nhiều chùa thờ Phật đã dựng lên tại đây gần 2 thế kỷ. Ðồng bào khắp nơi hành hương về đây cúng lễ rất đông.

Nhìn từ xa, ngọn núi mang dáng dấp con Sam này ẩn chứa sự lẻ loi, cô đơn giữa vùng đồng bằng Long Xuyên – Châu Đốc. Là núi trẻ, nhiều cây xanh bóng mát với nhiều màu áo, bao quanh bởi kênh rạch, đền chùa cổ, đã không ít người ví quang cảnh núi Sam như một bức tranh phong thủy đẹp và cuốn hút.

nui-sam

Núi Sam nhìn từ xa – nguồn: vanninh.com

con-sam

Con Sam – nguồn: Internet

Chùa Huỳnh Đạo

Trên con đường đi lên núi, du khách có thể ghé ngang qua chùa Huỳnh Đạo. Chùa cũng chỉ mới được xây dựng gần đây, vào năm 1996. Nhưng nhờ có khuôn viên rộng rãi, hồ nước… mà được nhiều đoàn khách ghé qua.

 

Các địa điểm du lịch trên núi Sam

Trên và quanh núi Sam có rất nhiều chùa miếu, trong đó nổi tiếng nhất là Miếu Bà chúa Xứ, Chùa Tây An, lăng Thoại Ngọc Hầu, Chùa Phước Điền (còn gọi Chùa Hang) là những hạng mục trong Khu di tích lịch sử – Văn hoá núi Sam đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam công nhận là di tích cấp quốc gia.

  • Miếu Bà Chúa Xứ
  • Lăng Thoại Ngọc Hầu
  • Chùa Tây An
  • Đình Thần Vĩnh Tế

ban-do-nui-sam-moi

Miếu Bà Chúa Xứ

Từ chân núi đi lên là gặp Miếu Bà Chúa Xứ. Miếu có kiến trúc khá đồ sộ, được làm lại mới vào khoảng thời gian 1972-1976.

Đi vào Chánh điện, sẽ thấy bàn thờ Bà, một pho tượng cao gần 2m, đầu đội mão, khoác áo bào đỏ thêu hình rồng phượng. Hai bên bàn thờ Bà, còn có bàn thờ Cô và Cậu. Hương khói nơi đây luôn nghi ngút.

Tượng Bà xưa kia nằm trên đỉnh núi Sam, sau này được người dân đem xuống núi thờ. Trên đỉnh núi vẫn còn dấu tích bệ thờ. Bệ đá có chiều ngang 1,60m; dài 0,3m, chính giữa có lỗ vuông cạnh 0,34m, loại trầm tích thạch màu xanh đen, hạt nhuyễn.

Hằng năm, cứ vào ngày 24/04 âm lịch sẽ diễn ra lễ hội Vía Bà, đây là ngày năm xưa Bà được rước xuống núi. Đúng 12h khuya, sẽ làm lễ tắm Bà, tượng được tắm và thay y phục mới. Sau khi tắm, nước, các mảnh y phục cũ được cắt ra và trái cây thờ trong điện sẽ được phát lộc cho mọi người.

Vào ngày 25/04 là lễ rước bài vị từ Lăng Thoại Ngọc Hầu về miếu Bà, đoàn rước rất long trọng.

Ngày 26/04 có tổ chức múa lân, hát bội.

Ngày 27/04, rước bài vị về lại Lăng Thoại Ngọc Hầu.

Từ miếu Bà đi lên sẽ là địa điểm của Chùa Tây An và lăng Thoại Ngọc Hầu.

Chùa Tây An

Chùa gây ấn tượng với nhiều màu sắc khá rực rỡ, lối kiến trúc là sự kết hợp giữa nhiều nền văn hoá như: Ấn, Hồi, Hoa, Việt.

Chùa cũng sở hữu số lượng tượng khá đồ sộ là 11270. Khi bước vào sân chùa, bạn sẽ thấy tượng hai con voi, trong đó con voi trắng có sáu ngà, được tạc dựa theo tích Hoàng hậu Maya mơ thấy voi 6 ngà rồi sinh ra Đức Phật.

Sau chùa có ngôi mộ của Phật Thầy Đoàn Minh Huyên, là giáo tổ của đạo Lành. Thầy được biết tiếng, và nhiều người theo trở thành tín đồ. Nhưng sau đó xảy ra thăng trầm mà Thầy vào chùa Tây An tu và mất tại đây.

Du lịch An giang - chùa Tây An

Chùa Tây An

Lăng Thoại Ngọc Hầu

Lăng nằm trên sườn núi Sam. Trong sân có ba ngôi mộ lớn, mộ Thoại Ngọc Hầu nằm ở giữa. Bước vào không gian này, bạn sẽ cảm nhận được sự uy nghiêm và cổ kính, nơi nằm xuống của một con người đã dành phần lớn cuộc đời mình gắn bó với vùng đất nam bộ này, có công khai phá vùng ĐBSCL.

Đường lên đỉnh núi Sam 

Có hai con đường để lên đỉnh núi: con đường nhựa và con đường mòn. Bạn nên đi cả hai con đường này để thưởng thức hết vẻ đẹp của núi.

Con đường nhựa mình dễ dàng thấy trên bản đồ của google map, nhưng con đường mòn phải dùng bản đồ vệ tinh. Con đường này xuất phát từ lăng Thoại Ngọc Hầu (chấm màu xanh) để đi lên đỉnh núi.

Đường nhựa rộng rãi cho xe máy, xe ô tô đi. Nếu bạn đi xe ôm lên thì lúc xuống đi bộ theo con đường mòn xuống, trên đường đi ngang qua nhiều am cốc.

duong-len-dinh-nui-sam

Con đường quanh co đưa du khách lên đỉnh núi ngập tràn nhiều loại cây bụi, cây chồi tái sinh xen những vạt tầm vong đều vạt hai bên đường trong cái không khí êm đềm, nảy nở của mùa xuân. Xen lẫn điệp, bằng lăng, trâm…và những cây phổ biến của rừng thứ sinh, quý khách sẽ có cơ hội ngắm nhìn hoa Ti-gôn quý phái. Không rõ nguyên nhân và không biết từ bao giờ, núi Sam có khá nhiều hoa Ti-gôn, ngắm nhìn những cánh hoa hồng tươi, leo quấn trên thân cây điệp hay lăng ổi..nghe văng vẳng bên tai tiếng chim hót, gió reo…du khách sẽ có cảm giác như cuộc sống thật bình yên và đáng yêu.

Ngoài những địa điểm nổi bật trên, bạn có thể kết hợp đi tham quan thêm một vài nơi như: Chùa Hang, đình Vĩnh Tế, miếu ông Nghè Trương Gia Mô.

Khách sạn Châu Đốc

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ sẽ diễn ra vào tháng 4 âm lịch, nếu bạn muốn tham gia lễ hội, nên đặt phòng sớm, để tránh tình trạng hết phòng hoặc giá tăng, vì mỗi năm có khoảng 2 triệu lượt du khách đến hành hương. Ở quanh chân núi và trên núi đều có khách sạn để phục vụ du khách. Khu vực 1 Chân núi
Xem danh sách khách sạn
Khu vực 2 Gần chân núi có:
Xem danh sách khách sạn
Khu vực 3 nếu những khách sạn gần núi đã kín, bạn có thể lựa những chỗ xa hơn. Mặc dù xa núi Sam, nhưng hầu như những khách sạn này đều nằm trong trung tâm thành phố Châu Đốc, gần bờ sông. Bạn có thể qua đêm tại đây, tham quan thành phố, sáng hôm sau khởi hành đi núi.
Xem danh sách khách sạn

Mọi ý kiến đóng góp xin gửi về wemar.company@gmail.com

2012-2023