KHÁM PHÁ NGÔI NHÀ TRĂM CỘT – NÉT KIẾN TRÚC ĐỐC ĐÁO CỦA XỨ GẠONÀNG THƠM
Không chỉ nổi tiếng bởi mảnh đất Cần Giuộc một thời anh hùng qua Văn Tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, di tích nhà trăm cột với lối kiến trúc cổ độc đáo cũng là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh Long An.
Cần Đước – Long An không chỉ nổi tiếng với đặc sản gạo nàng thơm Chợ Đào, ngôi nhà 100 cột đặc sắc của nhà họ Trần từ lâu đã là một địa điểm thu hút nhiều sự tò mò của du khách yêu thích kiến trúc lạ. Chủ nhân đời thứ ba hiện tại của ngôi nhà này là ông Trần Văn Ngộ. Ngôi nhà được xây dựng từ những năm đầu tiên của thế kỷ 20 bởi những người thợ của miền Trung. Ngự trị trên khu vườn có diện tích ngót nghét đến 4.044m2 với diện tích tích 882mm2, ngôi nhà được làm hoàn toàn bằng các loại gỗ như cẩm lai, gỗ đỏ, gỗ mật. Mái ngói của ngôi nhà cũng khá đặc biệt với cách lợp âm dương, xây trên nền bằng đá tảng dày gần 1m, lát gạch Tàu hình lục giác. Ngôi nhà 3 gian, 2 mái này được thiết kế theo hình chữ Quốc của tàu.
Đến với ngôi nhà trăm cột, du khách được thỏa mãn đam mê quan sát lối kiến trúc chạm khắc xưa với nhiều hình chạm nổi vô cùng công phu theo đặc trưng của Huế vô cùng sắc sảo. Giá trị của công trình được gửi gắm và thể hiện trong từng nét chạm, vừa đa dạng, vừa phong phú, vừa đặc sắc đậm nét cổ điển của tứ linh, tứ thời và bát quái, các mô típ thể hiện Phúc – Lộc -Thọ bên cạnh các đề tài phương Tây như hoa hồng, sóc – nho, cùng các yếu tố Nam bộ như mãng cầu, bình bát, khế, măng cụt đã được các nghệ nhân thể hiện công phu trên các bao lam, các khung ô hộc, vách ngăn, vách lá gió, bàn thờ, ghế nghi, bàn tròn, bàn dài bằng kỹ thuật chạm lọng, chạm nổi, chạm bong kênh, chạm nổi trên nền chạm lọng hết sức điêu luyện và tài tình.
Tham quan ngôi nhà trăm cột, du khách sẽ được tận mắt chứng kiến cách bố trí các gian và phòng của thời xưa. Mỗi phần của ngôi nhà đều thể hiện rõ vai trò và chức năng của mình như: vị trí để tiếp khách và làm việc, vị trí để thờ tự, vị trí phòng ngủ…thông qua những hoa văn và kết cấu kiến trúc hoàn toàn khác nhau.
Quan sát trên sơ đồ tổng thể mặt cắt, du khách sẽ biết được chính xác vị trí của 100 chiếc cột dùng để chống đỡ cho căn nhà, thấy được nét uyên thâm, kỳ công của những người nghệ nhân làm nên căn nhà này.
Ngoài nét đặc sắc từ kết cấu, du khách còn có cơ hội chiêm ngưỡng những bức hoành phi, đối liễng thiếp vàng…vô cùng đặc sắc có một không hai đến thời điểm hiện tại. Cảm nhận cái thú vừa tham quan, vừa giải mã những câu đố hay tạo nên trong lòng du khách những cảm xúc khó quên đối với ngôi nhà cổ 100 cột này.
Trở về với những điều cổ xưa, cảm nhận đâu đó hương vị của cuộc sống ở những năm đầu thế kỷ 20 nhờ căn nhà cổ 100 cột, chúc du khách có một hành trình đáng nhớ trong đời.
Năm 1997, nhà 100 cột đã được Bộ Văn Hóa – Thông Tin xếp hạng là Di tích lịch sử – văn hóa Quốc Gia (số 2890- VH/QĐ/ 27.09.1997).