Món ăn ngày Tết miền Tây có gì? Không như ẩm thực miền Bắc cầu kỳ, món ăn ngày Tết miền Tây giản dị, mộc mạc, đậm đà hương vị, đủ đầy chan chứa hồn sông nước.
Tết! Âm thanh ngắn ngủi nhưng lại chan chứa rất nhiều yêu thương, rất nhiều nghĩa tình. Tết là thời điểm những đứa con xa trở về nhà. Và với người miền Tây, cũng như mọi miền tổ quốc, Tết là dịp đoàn viên, là dịp để cả gia đình quây quần bên mâm cơm gia đình, cùng cúng tổ tiên, cùng nhìn lại một năm đã qua, kỳ vọng những may mắn và an lành cho năm sắp đến.
Người miền Tây đi làm ăn phương xa rất nhiều. Nhiều nhất là ở TPHCM, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai. Nhắc đến Tết, ai cũng bùi ngùi nhớ cành mai vàng rực góc sân, nhớ không khí lễ hội quây quần. Nhưng nhớ nhất có lẽ là những món ăn ngày Tết miền Tây. Đó chính là hương vị quê hương, là những món ăn không chỉ ăn trong gia đình mà còn để đãi khách với tất cả niềm hân hoan và trân quý, là những hương vị gây nhung nhớ mỗi dịp Tết đến Xuân về.
Tết miền Tây ngày nay có gì? Đặc trưng món ăn ngày Tết miền Tây ngày nay có còn giữ phong vị xưa? Cùng chúng tôi dạo một vòng miền sông nước, và tuần tự khám phá hương vị Tết miền Tây qua các món ăn thấm nhuần văn hóa nơi đây.
Những món ăn không thể thiếu trong ngày Tết miền Tây
Ngày Tết, sự chỉn chu của từng món ăn như càng được người dân miền Tây chú trọng. Vì không chỉ đơn thuần để phục vụ cho những bữa cơm sum họp gia đình. Đó còn là dịp để cúng tổ tiên, ông bà. Từng món ăn được chăm chút chọn lựa, không chỉ mang ý nghĩa về ngày Tết, mà còn thể hiện được tấm lòng thảo thơm của con cháu với thế hệ tiền nhân.
Món ăn trong mâm cúng ông bà
Mâm cúng ông bà đặc biệt quan trọng trong ngày Tết miền Tây. Dù giàu hay nghèo, ngày Tết, mỗi gia đình đều cố gắng để mâm cỗ cúng thật đầy đủ và chu toàn nhất. Những ngày cuối năm, cả gia đình thường quây quần gói bánh chưng, bánh tét. Và trong mâm cúng giao thừa, mâm cúng 3 ngày Tết, các món không thể thiếu là:
- Gà luộc, gà xé phay
- Thịt kho tàu, hay còn gọi là thịt kho hột vịt, thịt kho rệu: Món ăn đặc trưng mà gần như gia đình nào cũng nấu. Món thịt kho mềm, béo ngậy, màu cánh gián đẹp, vị ngọt thơm, vừa là món cúng ông bà vừa để ăn cơm trong ba ngày. Món này thường được ăn kèm cải chua hay dưa kiệu.
- Khổ qua nhồi thịt: Người miền Nam nói chung và miền Tây Nam Bộ nói riêng rất chuộng món này trong mâm cỗ ngày Tết, với ngụ ý rằng ăn khổ qua để những khổ cực sẽ qua đi.
- Bánh tét, bánh chưng
- Chả giò, chả lụa
- Lạp xưởng
- Dưa chua với nhiều biến tấu: Dưa hành, dưa kiệu, dưa giá, dưa củ cải, dưa da đầu heo…
- Một số gia đình còn có nhiều món ăn khác. Ví dụ như bánh xèo, heo quay, vịt luộc hoặc quay.
Các món cúng ông bà trong mâm cỗ Tết miền Tây thường không có quy định số lượng hay định lượng. Nhìn chung, các mâm cỗ đều rất đầy đặn, càng nhiều món càng tốt. Chuẩn bị một mâm cỗ đầy đặn được xem là tấm lòng thành với tổ tiên, cũng có ý nghĩa thông báo với ông bà tổ tiên năm nay con cháu làm ăn khấm khá, quây quần và đáp lễ các cụ.
Các món mặn: vừa dùng trong gia đình vừa để đãi khách
Ngoài các món ăn đặc trưng có trong mâm cúng ông bà, món ngon ngày Tết miền Tây còn có rất nhiều những món ăn đặc trưng khác. Có dịp đến với Tết miền Tây, bạn sẽ thấy được sự phong phú và đa dạng của ẩm thực nơi đây. Ẩm thực ngày Tết với các món mặn cũng rất được chú trọng. Đây không chỉ là các món ăn trong bữa cơm hàng ngày. Nó cũng được dùng để đãi khách. Những món ăn mang đậm hương vị miền sông nước với đa dạng cách chế biến:
- Cá kho tộ: Món ăn thường xuyên xuất hiện trong mâm cơm người miền Tây bốn mùa, kể cả mùa Tết. Cá kho tộ có thể làm từ cá lóc, cá rô, cá basa, cá tra, cá lăng…Hương vị đậm đà rất đưa cơm, thiên về mặn ngọt cho bữa ăn thêm đầm ấm sum vầy.
- Canh chua cá lóc, canh chua cá diêu hồng
- Cá lóc nướng trui: Đây cũng là một món đãi khách rất được ưa chuộng ở miền Tây. Cá lóc chọn con “trọng trọng”, đem nướng trui với rơm. Khi cá chín, chỉ cần bỏ ra lá chuối, cạo sạch lớp vỏ cháy bên ngoài và chấm cá cùng muối ớt hoặc cuốn rau sống. Món ăn bình dị mà cực kỳ cuốn, có thể ăn hoài không ngán.
- Cá tai tượng chiên xù
- Thịt ngâm mắm, giò ngâm mắm, bắp bò ngâm mắm
- Tai heo ngâm chua ngọt
- Các loại giò chả
- Lẩu: Miền Tây sản vật phong phú, các món lẩu cũng vô cùng đa dạng. Từ lẩu cá kèo, lẩu mắm, lẩu hải sản, lẩu gà lá giang… Mỗi món ăn đều có hương vị bình dị, gần gũi, thân thuộc. Còn gì bằng ngày Tết cả gia đình quây quần bên không khí đầu xuân se lạnh, thưởng thức nồi lẩu nóng nghi ngút khói, chuyện trò rôm rả và cùng chúc nhau năm mới an lành?
Khám phá các món chay trong mâm cơm Tết miền Tây
Không chỉ phong phú ở các món mặn, món ăn ngày Tết miền Tây không thể không nói đến các món chay. Mùng 1 đầu năm, người dân thường ăn chay, đi lễ chùa để cầu phúc cho năm mới. Chính vì vậy, món chay cũng là linh hồn ẩm thực ngày Tết. Có thể kể đến những món chay mà người miền Tây thường sử dụng trong những ngày này như sau:
- Món chay kho: Nấm kho, đậu hũ kho xì dầu, khổ qua dồn đậu hũ kho, rau củ kho ngũ vị, …
- Món canh: Canh kẽm nước cốt dừa, canh nấm, khổ qua hầm, canh rau củ, …
- Món xào: hủ tiếu xào, miến xào, rau củ xào, nấm xào, …
- Món gỏi: Gỏi cuốn, gỏi bắp chuối, gỏi củ hũ dừa, gỏi dưa leo, salad…
- Món bánh: Xôi gấc, bánh tét lá cẩm, bánh ít nhân đậu xanh, …
Không chỉ dành cho người ăn chay, món chay cũng là món chống ngán hiệu quả cho ngày Tết. Khi đã chán ngán với các món ăn nhiều dầu mỡ, nhiều đạm, thì các món chay với hương vị thanh mát nhẹ nhàng cũng giúp nhẹ bụng hơn, giúp cho sức khỏe ổn định hơn, tinh thần phơi phới hơn để du xuân.
Các món ăn chơi ngày Tết
Các món bánh mứt, món cuốn, các loại khô… cũng là những món ăn ngày Tết miền Tây không thể không nhắc đến. Nếu những món mặn giúp thỏa mãn cơn đói, là linh hồn của những bữa cơm, thì món ăn chơi là khơi nguồn cho những bữa trà. Để tiếp đãi người thân, bạn bè trong ngày Tết, người Miền Tây cũng có rất nhiều món ăn chơi. Có thể kể đến như:
- Nem rán, còn gọi là nem cuốn. Món ăn thanh mát với rau, tôm, thịt, cuốn lại và chấm cùng sốt đậu phộng hay tương béo bùi, ngọt nhẹ. Đây cũng là một trong những món khai vị điểm hình của miền sông nước.
- Các loại khô: gô bò, khô heo, khô gà lá chanh, khô cá. Xé miếng khô, nhâm nhi cùng tương ớt, hay trộn thêm xoài, cóc, dưa leo thành dĩa gỏi mát nhẹ thơm bùi.
- Các món bánh kẹo mứt. Thôi thì cơ man nào là bánh phồng tôm, bánh bông lan, kẹo dừa, kẹo chuối, mứt dừa, mứt me, mứt mãng cầu, mứt chùm ruột, mứt bí, mứt thơm, mứt củ sen, mứt gừng, mứt củ năng, mứt khoai, mứt hạt sen, mứt đậu ngự, hạt bí, hạt hướng dương, hạt điều…
Bánh mứt miền Tây có vị ngọt, thơm, lành và sạch vì chủ yếu được làm thủ công từ nguồn nguyên liệu địa phương. Ngày nay, các loại bánh mứt nhập khẩu cũng bắt đầu xuất hiện trong ngày Tết miền Tây. Tuy nhiên, những hương vị quê hương vẫn xuất hiện trong từng nếp nhà, như một cách nhắc nhớ về truyền thống, về phong vị quê nhà.
Ngày Tết an toàn: Lưu ý trong lựa chọn thực phẩm và cân bằng dinh dưỡng
Có dịp đến miền Tây dịp Tết, chắc chắn bạn sẽ bất ngờ bởi sự hiếu khách của con người nơi đây. Đặc biệt hơn khi vào dịp Tết, từng sự ghé thăm của bạn đều nhận về sự trân quý của người dân. Và nếu có dịp thưởng thức những món ăn ngày Tết miền Tây, chắc chắn bạn sẽ thêm hiểu, thêm yêu vùng đất thấm đượm nghĩa tình này.
Ăn Tết phong phú là thế, nhưng vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm ngày Tết cũng rất quan trọng. Để có được sức khỏe tốt nhất, bạn nên lưu ý:
- Chọn thực phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng
- Đảm bảo ăn chín, uống sôi, chế biến đúng cách, bảo quản đúng cách. Không sử dụng thực phẩm hết hạn.
- Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, đầy đủ các nhóm chất, tăng cường trái cây, rau xanh trong khẩu phần ăn.
- Cân bằng dinh dưỡng ngày Tết bằng cách ăn uống điều độ. Không ăn quá no, không dồn bữa, không bỏ bữa. Nên uống nhiều nước và kết hợp đa dạng thực phẩm để không bị tình trạng tăng cân sau Tết.
- Ăn uống đảm bảo an toàn vệ sinh. Rửa tay trước khi ăn, tránh các món sống, tiết canh… Điều này sẽ giúp bạn phòng ngừa được tình trạng ngộ độc thực phẩm.
Như vậy, chúng ta đã tìm hiểu top những món ăn ngày Tết miền Tây. Thưởng thức món ăn truyền thống của người miền Tây, chắc chắn bạn sẽ bất ngờ bởi hương vị đậm đà, bởi bàn tay tài hoa của người nội trợ biến những nguyên liệu bình thường thành mỹ vị. Và chắc chắn, với những ai đã và đang là người miền Tây, thì ngày Tết với những món ăn ngon luôn là một phần cuộc sống, một phần kí ức đẹp tươi không thể xóa nhòa.