Khi nhắc đến An Giang ai cũng nghĩ rằng đầy chỉ là một tỉnh bình thường nằm tại miền Tây Nam Bộ của Việt Nam, tuy nhiên đâu ai biết được rằng món ngon An Giang là một trong những nét văn hóa ẩm thực đã được lưu giữ nét truyền thống qua rất nhiều đời.
Với ẩm thực đa dạng và hấp dẫn, những món ngon An Giang luôn là điểm đến lý tưởng cho những ai yêu thích khám phá và thưởng thức các món ăn độc đáo của miền Tây Nam Bộ.
Gỏi Sầu Đâu – món gỏi ngon ngất ngây với bao người
Đây là một món ăn có xuất xứ từ Campuchia, được làm từ lá và hoa cây sầu đâu, ngoài ra còn có khô cá sặc (hoặc khô cá lóc) và thịt ba rọi. Gỏi có vị đắng của sầu đâu, vị mặn của khô cá, tuy dân dã nhưng tinh tế. Được dùng như một món rau trong bữa cơm hằng ngày nhất là vào tháng 11 đến tháng 3 âm lịch khi cây sầu đâu ra hoa và thay lá mới.
Xôi phồng Chợ Mới An Giang
Làm xôi phồng không quá phức tạp, nhưng khó có được vị thơm ngon của xôi phồng Chợ Mới. Bởi ở đây nếp có chất lượng cao, hạt tròn, cộng với đậu xanh, cả hai được quết nhuyễn một cách kỹ lưỡng.
Xôi chiên có màu vàng ươm và thơm vừa nhìn đã thấy bắt mắt. Có thể thưởng thức xôi với gà quay, sự kết hợp này không gây ngán cho thực khách, vì gà được thả vườn, nên thịt dai và ngọt, chấm kèm với tương ớt hoặc xì dầu.
Tung lò mò nướng
Tung lò mò dịch ra tiếng việt nghĩa là lạp xưởng bò. Để được tung lò mò ngon nhất, người ta phải lấy thịt bò ngon như: đùi, bắp hoặc thịt bò nạc lóc từ xương. Khi làm tung lò mò, thịt và mỡ bò được trộn theo tỷ lệ hai thịt một mỡ và mỡ bò. Sau đó, trộn đều hỗn hợp thịt với tiêu sọ, hoa hồi, một số gia vị thông thường và một loại gia vị bí truyền của người Chăm.
Thưởng thức tung lò mò đúng điệu nhất chính là nướng trên than hồng. Thực khách sẽ cảm nhận được vị ngọt bùi của thịt và mỡ bò, vị chua chua của cơm nguội lên men hòa cùng gia vị cay của ớt.
Món tung lò mò phải ăn kèm với rau húng quế, ngò gai và đu đủ ngâm chua ngọt và chấm với tương phở đen, tương ớt thì mới cảm nhận được sự phối hợp gia vị thú vị của người Chăm. Ngồi quanh bếp lửa hồng nướng tung lò mò, vừa chín đến đâu ăn đến đó vừa trò chuyện người ta mới cảm thấy hết dư vị của món ăn này.
Gà hấp lá trúc – món ngon An Giang
Đây là đặc sản của vùng bảy núi. Nguyên liệu chính là gà ta hấp cách thủy với lá một loài cây chanh Thái (người bản địa gọi là cây trúc). Vị ngọt và dai của thịt gà, vị the the, nồng đượm của lá trúc đã tạo một mùi thơm là lạ, đậm đà chất quê. Gà khi ăn được chặt hoặc xé nhỏ, lá trúc được trang trí lên thịt gà. Dưới đáy đĩa độn rau ghém bắp chuối, cà chua, dưa leo, ớt… nhìn rất bắt mắt, hấp dẫn.
Rượu chua thốt nốt
Là thức uống lên men từ các trái thốt nốt tươi, những trái có cơm chắc thịt. Rất thích hợp để dùng sau bữa ăn, hoặc những ngày trời hè oi bức. Rượu chua thốt nốt là một loại đặc sản nổi tiếng của tỉnh An Giang. Đây là một loại rượu truyền thống được sản xuất từ trái cây thốt nốt và có hương vị độc đáo khiến ai vừa thưởng thức xong cũng đều nghiện ngay.
Chè thốt nốt
Một món ăn dân dã bao gồm: trái thốt nốt đã được cắt sạch vỏ, nước cốt dừa, đường thốt nốt. Dù cách làm đơn giản, nhưng món chè này rất được lòng người, vì vị béo ngậy của nước dừa, vị ngọt thanh của đường, sự mềm dẻo của các lát thốt nốt. Nếu có dịp ghé An Giang, đừng bỏ qua món ăn này nhé.
Bánh bò thốt nốt
Bánh bò đường được làm từ bột gạo Nàng Nhen vùng bảy núi và trái thốt nốt dày cơm. Người làm bánh phải thật kỹ lưỡng từ khâu ủ bột lên men. Kết quả sẽ có những chiếc bánh bò thốt nốt vàng đẹp mắt, thơm lừng, ngọt béo từ nước cốt dừa và đường thốt nốt.
Bánh lá thốt nốt
Những chiếc bánh nhỏ nhắn, nhưng đòi hỏi không ít công phu. Gạo được xay và bột gạo được ủ một đêm, sau đó người ta trộn bột gạo, đuờng, nước cốt dừa, bột thốt nốt rồi mang đi nấu tạo thành hỗn hợp sền sệt. Bánh dùng lá chuối để gói tạo hình chữ nhật, trước khi gói cho một ít dừa nạo lên trên. Ngoài ra còn các món được chế biến từ thốt nốt như: thốt nốt ướp lạnh, rau câu đường thốt nốt sữa dừa.
Bò leo núi
Thịt bò được cắt hơi dày so với các món bò nướng khác. Thịt được ướp với gia vị và trứng gà tươi. Vỉ nướng thịt làm bằng gang và nhô tròn lên nhìn giống như quả núi.
Đầu tiên một miếng mỡ heo sẽ được đặt lên vỉ, mỡ heo chảy ra nhiễu xuống bếp phát ra tiếng xèo xèo. Tiếp đó cho thịt lên nướng và phết bơ lên. Trứng và bơ hòa quyện với nhau, tỏa ra mùi thơm lừng.
Thịt được cuốn với bánh tráng, rau sống chấm với chao hoặc mắm. Miếng thịt sau khi nướng không bị dai, mà mềm ăn rất ngon miệng.
Bún nước lèo Tân Châu
Nước lèo màu vàng nghệ, óng ánh chút xả phi vàng và những hạt trứng cá nhỏ li ti. Tô bún có thịt cá đã gỡ xương và con tôm khô cũng màu vàng nghệ nổi bật trên lớp bún trắng tinh. Dưới lớp bún là lớp rau ghém bao gồm bắp chuối hay rau muống bào và giá , rau thơm, rau ngò gai,.
Mắm Châu Ðốc
Mắm Châu Đốc có rất nhiều loại như mắm cá lóc, mắm cá sặc, mắm cá trèn, mắm cá linh…, nhưng nổi tiếng nhất vẫn là mắm thái.
Mắm thái có cách làm khá đơn giản, con cá được làm sạch, cho vào khạp, rồi trộn đều muối, đậy kín…, vài tháng sau lấy ra trộn với thính, xay nhuyễn rồi chao đường, ủ lại từ 3 đến 6 tháng…, lúc đó con cá muối sẽ trở thành con mắm. Khi chao mắm chỉ nên chao bằng đường thốt nốt, loại đường mà chỉ riêng ở vùng đất Bảy Núi An Giang mới có… và có lẽ đó cũng chính là những yếu tố góp phần làm nên hương vị thơm ngon đặc trưng của mắm Châu Đốc.
Đường thốt nốt
Là đặc sản của An Giang, đường thốt nốt được ưa thích, là món quà cho những ai yêu thích nấu nướng, vì đường có vị ngọt thanh, không gắt như đường cát. Các cục đường được đóng thành từng bịch hoặc hộp rất tiện để đem về làm quà.
Với ẩm thực đa dạng và hấp dẫn, An Giang là điểm đến lý tưởng cho những ai yêu thích khám phá và thưởng thức các món ăn độc đáo của miền Tây Nam Bộ.